Trường huyện

Học trò trường huyện ngày năm ấy,
Anh tuổi bằng em, lớp tuổi thơ.
Những buổi học về không có nón,
Đội đầu chung một lá sen tơ.

Lá sen vương vấn hương sen ngát,
Ấp ủ hai ta, chút nhuỵ hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc,
Theo về tận cửa mới tan mơ.

Em đi, phố huyện tiêu điều lắm,
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi.
Mà đến hôm nay anh mới biết,
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi!


1938

Bảy chữ


Mây trắng đang xây mộng viễn hành,
Chiều nay tôi lại ngắm giời xanh,
Giời xanh là một tờ thư rộng,
Tôi thảo lên trời mấy nét nhanh.

Viết trọn năm dài theo vách đá,
Bốn bề lá đổ ngợp hơi thu,
Vừa may cánh nhạn về phương ấy,
Tôi gửi cho nàng bức ngọc thư.

Xe ngựa chiều nay ngập thị thành,
Chiều nay nàng bắt được giời xanh,
Đọc xong bảy chữ thì thương lắm:
“Vạn lý tương tư, vũ trụ tình”.


Bắc Giang, 1940

Quan Trạng


Quan Trạng đi bốn lọng vàng
Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm
Mọi người hớn hở ra xem
Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.
Từ ngày cô chửa thành hôn
Từ ngày anh khoá hãy còn hàn vi.
Thế rồi vua mở khoa thi,
Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng...


1937

Tập thơ Tâm Hồn Tôi (1940), Nước giếng thơi (1957)

Thanh đạm

Nhà tranh thì sẵn đấy
Vợ xấu thì làm sao?
Cuốc kêu ngoài bãi sậy¹
Hoa súng nở đầy ao.

Mấy sào vườn đất mới
Trồng dâu và trồng cam.
Không ngại xa, người tới
Thăm tôi, tôi cảm ơn.

Làng bên sẵn rượu ngon
Đêm nay ta đối ẩm.
Tre nhà đương cữ ấm
Tha hồ là măng non.

Đường làng không tiện xe
Sớm mai người hãy trẩy.
Cây nguyệt nằm suông mãi
Tôi xin đàn người nghe.

1936

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)

Truyện cổ tích

Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
Kén tài nhân, mở Điệp lang khoa.
Vua không lấy trạng, vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa.

Vua liền gọi gả con gái yêu
Nàng đẹp như em, chả nói điêu!
Vua nuông hai vợ chồng quan Thám
Cho nhởn xem hoa sớm lại chiều.

Một hôm hai vợ chồng quan Thám
Mê mải xem hoa lạc chốn về
Vợ khóc: Mình ơi em hãi lắm!
Trời chiều lạc lối tới vườn lê.

Vườn đầy hoa trắng như em ấy
Bỗng một bà Tiên hiển hiện ra
Sao mà đẹp thế? Tiên mà lại!
Nữ chúa vườn lê đi xem hoa.

Bà thấy vợ chồng con Bướm dại
Sụt sùi ngồi khóc dưới hoa lê
Đến bên âu yếm bà thương hại:
Ý hẳn hai con lạc lối về!

Đây về nước Bướm đường thì xa
Về tạm nhà ta ở với ta
Có đủ chăn êm, cùng gối ấm
Có nhiều bánh ngọt ướp hương hoa.

Đêm ấy chăn êm cùng gối êm
Vợ chồng ăn bánh với bà Tiên
Ăn xong thoắt chốc liền thay lốt
Chồng hoá thành anh, vợ hoá em.

1938 

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)

Hoa với Rượu

Thấy rét, u tôi bọc lại mền,
Cô hàng cất rượu ủ thêm men.
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ,
Say cả tư mùa cho khách quen.

Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ tôi,
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi.
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ,
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi.

Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà,
Người ta bắt chước chị người ta!
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng,
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa.

Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy,
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau.
Hí hửng bảo nhau: Thơm đấy chứ,
Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu!

Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
Chị Nhi cho uống rượu cay cay,
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi, chếnh choáng say.

Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.

Chị Nhi thường nói với u tôi
Hai đứa thưa bà đến đẹp đôi
U tôi liền đáp ngay như thật
Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi

Thuở ấy làm sao thật thái bình¹
Trai hiền bạn với gái đồng trinh
Đời say men rượu thơm hoa rụng
Tràn những ngây thơ ngập cảm tình

Ấy thế mà rồi cách biệt nhau
Nhà Nhi không biết chuyển đi đâu
Mình tôi giời bắt làm thi sĩ
Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh
Tôi đi dan díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men say rượu ái tình.

Rượu ái tình kia thành thuốc độc
Vườn trần theo bướm phấn hương bay
Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc
Hoa hết thơm rồi, rượu hết say.

Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu
Ba bốn năm rồi năm sáu năm
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại
Men nồng gạo nếp nước hoa cam.

Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
Mộng ngát, duyên lành cũng bỏ tôi.

Chắc ở nơi nào, dưới mái tranh,
Chị em Nhi vẫn sống yên lành,
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán.
Hồn vẫn trong mà mộng vẫn xinh.

Ngày xưa còn bé, Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì,
Tháng tháng, mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say Nhi.

Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò sông vắng? Chợ gần, xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam, có nở hoa?

Mơ tưởng vu vơ, lòng dối lòng
Thực ra có phải thế này không
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước
Nhi đến năm sau lại lấy chồng?

Ước gì trên bước đường lưu lạc.
Một buổi chiều nao, lạnh gió mưa
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa.

Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu.
Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại
Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau.

Tôi kể: U tôi đã mất rồi
Cửa nhà còn có một mình tôi...
Nhi rằng: Ngày trước u thường nói
Hai đứa mình trông đến đẹp đôi...

Chị em mới lấy chồng năm trước
Chồng chị trồng cam ở mé sông.
Em ở mình đây nhà trống trải
Trăng vàng đầy ngõ, gió mênh mông...

Như truyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng.

Rượu cất kỹ ngon, men ủ khéo
Say người, thiên hạ lại say nhau,
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.

Chao ơi! Là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu
Sống vào trời đất, sống cho nhau.

Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa, rượu ế, ấy tình tôi,
Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng
Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi!²

Huế 1941

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)

Qua nhà (Gần xa)

Cái ngày cô chưa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa...
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)

Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng
Biết đâu, rồi chả nói chòng:
Làng mình khối đứa phải lòng mình đây!

Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa

Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo.
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thời mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.

Nguyễn Bính

Tập thơ Tâm hồn tôi (1940)
Tập thơ Nước giếng thơi (1957) có tiêu đề là Gần xa

Xóm Ngự Viên

Lâu nay có một người du khách
Gió bụi mang về xóm Ngự viên¹.
Giậu đổ, dây leo, suồng sã quá!
Hoa tàn, con bướm cánh nghiêng nghiêng.
Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá,
Xóm vắng, rêu xanh, những lối hèn!
Khách du lần giở trang hoài cổ,
Mơ lại thời xưa xóm Ngự viên.

*

Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây hoa cỏ giống vườn tiên?
Sớm Ðào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn,
Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Ðỗ Quyên.
Ðức vua một sớm đầu xuân ấy
Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự viên.
Cung tần, mỹ nữ, ngời son phấn,
Theo gót nhà vua nở gót sen.
Hương đưa bát ngát ngoài trăm dậm,
Cung nữ đa tình, vua thiếu niên.
Một đôi công chúa đều hay chữ,
Hoàng hậu nhu mì, không biết ghen.

Ðất rộng can chi mà đổi chác,
Thời bình đâu dụng chước hòa Phiên?
Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ
Câu chuyện: Hô lai bất thượng thuyền.

Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Gót sen bước nhẹ lầu Tôn nữ,
Ngựa bạch buông chùng áo Trạng nguyên.
Mười năm vay mượn vào kinh sử
Ðã giả xong rồi, nợ bút nghiên!

Quan Trạng tân khoa tàn tiệc yến,
Ði xem hoa nở mấy hôm liền.
Ðường hoa, má phấn tranh nhau ngó,
Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên.
Thắp hương, Tôn nữ xin Giời Phật:
Phù hộ cho con được phỉ nguyền.

Lòng Trạng lâng lâng mầu phú quý,
Quả cầu nho nhỏ, bói lương duyên.
Tay ai ấy nhỉ, gieo cầu đấy ?
Nghiêng cả mùa xuân, Trạng ngước nhìn.

Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo,
Có người đêm ấy khóc giăng lên!
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc,
Chẳng Tống Trân ư, cũng Nguyễn Hiền!

*

Khách du buồn mối buồn sông núi,
Núi lở, sông bồi, cảnh biến thiên!
Ngự viên ngày trước không còn nữa,
Giờ chỉ còn tên: Xóm Ngự viên.

Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng,
Giời đem hoa cỏ giả vườn tiên!
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo,
Dân thường qua lại, lối đi quen.

Nhà cửa xúm nhau thành một xóm,
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men.
Mụ vợ Bắc Nam người tứ xứ,
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen.
Ðổi thay tình nghĩa như cơm bữa,
Khúc Hậu Ðình Hoa hát tự nhiên.
Nhọc nhằn tiếng cú trong canh vắng,
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn...

Hôm nay có một người du khách,
Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên!

Huế, tháng 9/1941

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)