Bài thơ vần Rẫy


Nhớ ngày tôi vào chơi Hà Tiên
Chiều chiều cùng chị về trong Rẫy
Đường mòn, bóng nhạt soi tà tà
Biển khơi, gió mặn thổi hây hẩy

Giậu thưa, rau muống loe màu xanh
Bờ vắng, chim cu ồn tiếng gáy
Thân cau thương nhớ ai gầy mòn
Tay chuối đợi chờ ai ve vẩy...
Hoa tươi gặp gió tha hồ rung
Trái chín gần tay tự do hái
Đời người đã thong thả thế ru?
Đời người đã sung sướng đến vậy:

Vườn cây, gió thổi lộng muôn cành
Nhà cỏ, trăng soi vàng nửa mái.
Thềm trăng, trải chiếu ngồi song song
Bàn chuyện Tam Quốc cười sảng khoái.
Khương Duy mật to như trứng gà
Mã Siêu mặt đẹp như con gái
Mê gái cửa thành giết bố nuôi¹
Vì nước qua thuyền giành chúa dại
Xót anh, may áo tang ba ngày
Nhớ nghĩa, đường cùng thả giặc chạy
Vận trời thế đất đang chông chênh
Thiên hạ chia ba, ai thắng bại?
Ai ngờ ông trời làm trò đùa
Cả ba chân vạc theo nhau gẫy.

Dần dà nói đến chuyện nhân duyên
Chị có cô cháu tuổi mười bảy
Tóc dài chấm gót má hồng tươi
Mi vòng cánh cung mắt đen láy
Chị ơi! trôi nổi là thân tôi
Cánh buồm bạt gió trôi hồ hải
Than ôi! không có giá liên thành
Để đổi cho tròn viên ngọc ấy!

Xứ người lần lữa gót phiêu linh
Quê cũ cha anh hết trông cậy.
Tấm thân bảy thước chửa ngang tàng
Khói lửa bốn trời đã bốc dậy.
Con thuyền dầu lạc hướng phương nào
Vẫn nhớ ai người nơi tuyệt tái!

Chừng nào mới lại vào Hà Tiên
Chiều chiều cùng chị về trong Rẫy?
Chắc chẳng bao giờ nữa, chị ơi:
“Hoa lưu động khẩu ưng trường tại...”


Bài thơ này được thấy trong tập tuỳ bút của Mộng Tuyết (Thất tiểu muội), nhan đề Dưới mái trăng non, NXB Mạc Lâm, Yễm Yễm Thư Quán, 72D, Trần Văn Thạch, Sài Gòn tổng phát hành.

¹ Câu này có lẽ tác giả nhầm với Lã Bố mê Điêu Thuyền mà giết Đổng Trác

Bài thơ quê hương


Trải nghìn dặm trời mây bạn tới.
Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng!
Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa.
Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương.

...Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang...”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.

Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.

Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.

Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.

Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.

Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tầu.

Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn...”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.

Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.

Khi có giặc những tre làng khắp nước,
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông,
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng...

Quê tôi đó - bạn ơi! - là thế đó.
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao! Bỗng một ngày: có Đảng
Có Bác Hồ, làm sống lại quê hương.

Đánh Nhật, đuổi Tây cứu dân, dựng nước
Hai mươi năm kể biết mấy công trình!
Và từ đây, núi sông và cuộc sống.
Và quê hương mới thực sự của minh.

Cuộc đời mới con người cũng mới,
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ,
“Đoàn quân Việt Nam đi... chung lòng cứu quốc...”
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu.

Những xiềng xích nghìn năm đều bẻ gãy.
Những bài ca điệu múa lại vui tươi.
Những trận khóc đêm dài không có nữa.
Thành thị nông thôn rộn rã tiếng cười.

Trong luỹ tre xanh vui mùa hợp tác,
Mái ngói nhô lên như những nụ hoa hồng.
Chung ruộng, chung trâu, chung lòng, chung sức
Chung con đường gặt lấy ấm no chung.

Trong xưởng máy tưng bừng như đám hội.
Những chủ nhân là chính những công nhân.
Tiếng máy reo chen tiếng cười tiếng hát,
Chẳng còn đâu tiếng chủ thét, cai gầm!

Những nhà thơ được tự do ca ngợi,
Quê hương. Tổ quốc, con người...
Và đời sống khỏi túng, nghèo, đói, khổ.
Khỏi bị ai khinh rẻ, dập vùi!

Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật,
Truyện thiên đường trong những cõi hư vô...
Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất,
Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa.

Khi con người được tự do giải phóng.
Đất rộng hơn mà trời cũng xanh hơn.
Quả trên cành cũng thêm ngon, thêm ngọt,
Hoa trong vườn cũng thêm sắc, thêm hương.

Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ
Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào.
Và “Truyện Kiều” mới có chân giá trị,
Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào.

Thửa ruộng cũ cấy thêm mùa lúa mới,
Khung trời quê mọc những nóc lò cao.
Dây “cao thế” đã chăng dài khắp nẻo,
(Xóm làng tôi điện sẽ át trăng sao).

Những gỗ tốt đã dựng câu lạc bộ,
Gạo tám xoan thơm bếp lửa nhân dân.
Những cô Tấm tự tay xây hạnh phúc
Chẳng phải gian nan hoá kiếp mấy lần.

Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện.
Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây!
Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại,
Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay.

Hội Diên Hồng thôn xã nào cũng mở,
Chuyện “kháng chiến trường kỳ” ai cũng nhớ nhập tâm.
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Câu ấy giờ đây đã đúng cả trăm phần.

Đảng cùng dân đã viết thêm lịch sử,
Lửa Điện Biên sáng dậy cả trăm năm.
Lửa Ấp Bắc, Chu Lai cũng bừng rực rỡ,
Lửa chiến công đang chói lọi miền Nam.

Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo;
Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời.
Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng
Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi.

***

Câu chuyện quê tôi, sơ sài mấy nét.
Bạn trở về xin kể mọi người hay.
Riêng phần tôi có thơ này tặng bạn,
Tặng quê mình, nhân dịp tết năm nay.

Tết Bính Ngọ, 1966

Báo Văn nghệ Nam Hà, số Tết Bính Ngọ (1966), trang 3

Anh về quê cũ

Anh về quê cũ: thôn Vân
Sau khi đã biết phong trần ra sao.
Từ nay lại tắm ao đào
Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi.
Giang hồ sót lại mình tôi
Quê người đắng khói, quê người cay men.
Nam Kỳ rồi lại Cao Miên
Tắm trong một cái biển tiền người ta...
Biển tiền, ôi biển bao la
Mình không bẩn được vẫn là tay không...
Thôn Vân có biếc, có hồng
Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều.
Đê cao có đất thả diều
Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay.
Quả lành nặng trĩu từng cây
Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen.
Hiu hiu gió quạt, trăng đèn
Với dăm trẻ nhỏ thả thuyền ta chơi.
Ăn gỏi cá, đánh cờ người
Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân.

Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Phương nào kết dải mây Tần cho ta
Từ nay, khi nhớ quê nhà
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân.

Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Anh em ly tán, lầu dần thành ra,
Không còn ai ở lại nhà,
Hỏi còn ai nữa? Để hoa đầy vườn,
Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn,
Anh về quê cũ có buồn không anh?


1942

Bạch đào

Tình cờ không hẹn bỗng mà nên
Một buổi đầu năm tết Kỷ Hợi
Có năm người bạn bến sông Hoàng
Gặp nhau uống rượu mừng năm mới
Chuyện thơ chuyện phú, chuyện non sông
Chuyện trước chuyện sau thật sôi nổi
Bỗng nhiên Hiếu Lang vỗ đùi khoe:
Đệ có cây đào hoa mới bói
Giống đào thật quý nhất xưa nay
Cánh trắng, bông to, sương tuyết gội...
Chợt nghe hoa quý nở vườn xuân
Bỏ ngay câu chuyện, lòng phơi phới
Nửa đêm đội mưa ra đi ngay
Quản chi nhà xa đường ướt lội
Như có người yêu hé cửa chờ
Như có bạn cũ đốt trầm đợi
Nhớ lại thời xưa Bất thượng thuyền
Lý Bạch nằm say không trở gối
Vì hoa nên phải đánh đường tìm
Đây phải chín tầng đem chiếu gọi

Đến nơi mở cửa, đốt đèn lên
Kẻ trước người sau bước vồi vội
Ra mé Tây Viên, tới gốc đào
Lặng ngắm hoa cười, im chẳng nói
Tất cả cùng chung nhớ một câu:
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Khách nhân cao hứng đề thơ này.


Đề tại Tây Viên, phố Vị
Đêm mồng hai tết, năm Kỷ Hợi (1959)

Ái khanh hành

(trích)

... Không phải gặp em từ buổi ấy
Hình như gặp em từ ngàn xưa
Lòng em thương anh không có bến
Tình anh yêu em không có bờ

Viết viết có đến nghìn trang giấy
Làm ra có đến nghìn bài thơ
Tương tư một đêm năm canh chẵn
Nhớ nhung một ngày mười hai giờ.

Chao ơi!
Em ngon như rau cải
Em ngọt như rau ngót.
Em giòn như cùi dừa.
Em hiền như nước mưa
Em nhổ nước bọt xuống mặt biển
Mặt biển thơm lên hai mươi bốn giờ
Em là con Tướng trong tam cúc
Anh là quân Xe trong bàn cờ
Ví chăng có một nước Tình ái
Em là Hoàng Hậu, anh làm Vua.


Trường huyện

Học trò trường huyện ngày năm ấy,
Anh tuổi bằng em, lớp tuổi thơ.
Những buổi học về không có nón,
Đội đầu chung một lá sen tơ.

Lá sen vương vấn hương sen ngát,
Ấp ủ hai ta, chút nhuỵ hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc,
Theo về tận cửa mới tan mơ.

Em đi, phố huyện tiêu điều lắm,
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi.
Mà đến hôm nay anh mới biết,
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi!


1938

Bảy chữ


Mây trắng đang xây mộng viễn hành,
Chiều nay tôi lại ngắm giời xanh,
Giời xanh là một tờ thư rộng,
Tôi thảo lên trời mấy nét nhanh.

Viết trọn năm dài theo vách đá,
Bốn bề lá đổ ngợp hơi thu,
Vừa may cánh nhạn về phương ấy,
Tôi gửi cho nàng bức ngọc thư.

Xe ngựa chiều nay ngập thị thành,
Chiều nay nàng bắt được giời xanh,
Đọc xong bảy chữ thì thương lắm:
“Vạn lý tương tư, vũ trụ tình”.


Bắc Giang, 1940

Quan Trạng


Quan Trạng đi bốn lọng vàng
Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm
Mọi người hớn hở ra xem
Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.
Từ ngày cô chửa thành hôn
Từ ngày anh khoá hãy còn hàn vi.
Thế rồi vua mở khoa thi,
Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng...


1937

Tập thơ Tâm Hồn Tôi (1940), Nước giếng thơi (1957)

Thanh đạm

Nhà tranh thì sẵn đấy
Vợ xấu thì làm sao?
Cuốc kêu ngoài bãi sậy¹
Hoa súng nở đầy ao.

Mấy sào vườn đất mới
Trồng dâu và trồng cam.
Không ngại xa, người tới
Thăm tôi, tôi cảm ơn.

Làng bên sẵn rượu ngon
Đêm nay ta đối ẩm.
Tre nhà đương cữ ấm
Tha hồ là măng non.

Đường làng không tiện xe
Sớm mai người hãy trẩy.
Cây nguyệt nằm suông mãi
Tôi xin đàn người nghe.

1936

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)

Truyện cổ tích

Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
Kén tài nhân, mở Điệp lang khoa.
Vua không lấy trạng, vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa.

Vua liền gọi gả con gái yêu
Nàng đẹp như em, chả nói điêu!
Vua nuông hai vợ chồng quan Thám
Cho nhởn xem hoa sớm lại chiều.

Một hôm hai vợ chồng quan Thám
Mê mải xem hoa lạc chốn về
Vợ khóc: Mình ơi em hãi lắm!
Trời chiều lạc lối tới vườn lê.

Vườn đầy hoa trắng như em ấy
Bỗng một bà Tiên hiển hiện ra
Sao mà đẹp thế? Tiên mà lại!
Nữ chúa vườn lê đi xem hoa.

Bà thấy vợ chồng con Bướm dại
Sụt sùi ngồi khóc dưới hoa lê
Đến bên âu yếm bà thương hại:
Ý hẳn hai con lạc lối về!

Đây về nước Bướm đường thì xa
Về tạm nhà ta ở với ta
Có đủ chăn êm, cùng gối ấm
Có nhiều bánh ngọt ướp hương hoa.

Đêm ấy chăn êm cùng gối êm
Vợ chồng ăn bánh với bà Tiên
Ăn xong thoắt chốc liền thay lốt
Chồng hoá thành anh, vợ hoá em.

1938 

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)

Làng tôi

(trích trường ca “Làng tôi”

Làng tôi cũng có sông cùng núi,
Núi nhỏ, con sông chảy lặng lờ.
Lụt năm Tỵ
¹, dân xiêu đi quá nửa,
Làng đã nghèo, càng nghèo xác nghèo xơ.

Nhà cửa dỡ bán củi ăn từng bữa,
Rau má bờ đê đẽo nhẵn lì.
Ba sào ruộng đồi cơm thiu một nắm,
Ăn hết vèo, mai biết sống bằng chi.

Nền nhà trống, ếch kêu chân lỗ cột,
Vườn hoang tàn, bạc phếch ánh trăng soi.
Người lũ lượt kéo nhau đi hành khất,
Cha dìu con... gục xuống, mỏn hơi rồi!

Anh em nhà lý trưởng Cời
Thừa lúc làng xiêu dân đói,
Ruộng đất phình ra, văn tự nứt hòm gian,
Dinh cơ lớn mọc thêm nhiều mái ngói.

Tôi mười một mười hai còn đóng khố,
Phải ẵm em cho mẹ, mẹ làm thuê.
Chiều hôm, bụng đói, em thì quấy,
Ngóng mẹ đường thôn kiếm gạo về.

Trời nhập nhoạng, bếp um lửa khói,
Đèn khô phao, nền đất dọn ăn thầm.
Nhai nhếu nháo, sờ mồm em, mẹ mớm,
Lưng vực xong, mẹ giũ chiếu đi nằm.

Có thím Hợi mù loà cạnh vách
(Trận lụt làm chết sạch cả chồng con)
Cứ tối tối thím kể “Bần nữ thán
²
Tỉ tê giọng oán câu hờn...

Thím ngày tháng hát xẩm rong độ nhật
Chỉ lo phiền chết chẳng áo quan chôn
Bến đò vắng, phiên chợ làng cũng vắng
Vắng tiếng tiền chinh gieo rạn đáy thau mòn...

Giọng thím hát mỏi mòn, ẩm ướt
Trộn đầy nước mắt, mưa thu
Nghe mẹ thở dài, biết mẹ còn trằn trọc
Chắc mẹ thương thân, lại nhớ sự tình xưa

*

Mẹ tôi
Con gái làng Mai
Ai cũng phải khen rằng đẹp
Giọng hát hay nghe cứ rót vào tai
Tài cấy gặt đố người nào đuổi kịp

Mười tám tuổi gả về xóm Núi
Phá đất sườn non, vợ cuốc chồng cày
Bốn bận sinh, còn lại một trai một gái
Lý trưởng bắt chồng đăng lính sang Tây

Thùng thùng trống đánh ngũ liên
Bước chân xuống thuyền...
Vợ chồng đôi ngả
Con sông chảy mãi về đâu?
Bóng núi đè thâm mái rạ...

Một hôm có giấy quan về
(Ngỡ thế nào kia
Ngờ đâu ra thế!)
Lý Cời qua ngõ tạt vào
Rượu vẫn còn say bí tỉ
Tờ giấy mở ra
Trắng lốp một màu tang chế
“Này chị ấy ơi
Giấy trên vừa mới chạy về
Chồng chị chết rồi, bên nước mẹ
Chính phủ Lang Sa
Đền công chồng chị
Đây tấm bằng suất đội kèm theo
Chữ ký quan Tây
Triện đồng đỏ choé
Chị giữ lấy mà treo
Một bước nên bà
Sướng nhé!”
Hắn vê ria mép cười tình
Nhay nháy mắt lươn ti hí
“Này! Lo lợn gạo mà khao
Bà đội nhà tôi ơi! Lệ làng phải thế
Có cần tiêu, tôi ứng tiền cho
Muốn trả, muốn không, tuỳ bụng chị.
Cứ ừ một tiếng là xong
Bà cả nó vốn hiền lành, tử tế...
Người thế kia mà lận đận chồng con
Nghĩ thương đáo để!”
Hắn về rồi, hơi rượu vẫn còn hăng
Trời đất tối rầm, đầu gối run lên muốn quỵ
Nước mắt dài hơn người
Lòng rối như canh hẹ
Con thơ níu áo hỏi dồn:
“Ông lý cho gì hở mẹ?”

Thế là
Áo trái đường khâu
Chèn thêm chốt cửa
Bỏ ngoài tai câu ý câu tình
Sụp vành nón, hội hè chẳng ngó

Giọng hát véo von
Mẹ dành để ru con ngủ
“Ạ ời ơi
Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy đồng sâu chưa về...”
Ăn đói làm thuê
Cơm niêu nước lọ
Mẹ ở vậy nuôi con
Tháng năm vò võ...

Tôi có thằng bạn nhỏ
Bằng tuổi nhau, nghèo khổ cũng ngang nhau
Bố nó bỏ làng bán mình cho Sở mộ
³
Giữa bể Đông, bão lớn, chìm tàu...

Tên nó là Đinh, mặt mày rắn cấc
Có tài bắn súng cao su
Trăm phát chẳng sai một phát
Chạng ổi giơ cao, viên đạn đất bay vù...

Nó mấy năm ròng lẽo đẽo
Ở chăn trâu cho nhà lý trưởng Cời
No đòn vọt mà đói cơm đói cháo
Vết lằn roi không kịp lặn trên người

Rỏ máu mắt ngủ bên ổ chó
Ngậm bồ hòn than thở cùng trâu
Vợ lý trưởng bắc ghế ngồi chửi rủa
Đào cha ông mồ mả đổ lên đầu

Đinh thả trâu quanh sườn núi bờ sông
Bắn chim chóc giấu đem về cho mẹ
Rau má độn cơm, bà chẳng bữa nào no
Người phù thũng, da vàng như xát nghệ

Bỗng một hôm Đinh chạy đến tìm tôi
Mặt tím lại, mắt đỏ hoe muốn khóc
Giơ lưng, lật áo cho xem
Máu chảy thành dòng
Lằn roi vọt quất ngang quất dọc:

“Mày ở nhà thôi, khổ quá, tao đi
Xó chợ, đầu đường, ra Đông
, ra Bắc
Cũng cứ liệu thôi!
Ở với nó có ngày chết mất!”
Nói rồi nó bỏ đi luôn
Tôi đứng nhìn theo quệt ngang nước mắt

Nhưng ngay chiều ấy
Đinh lại quay về
Nó đứng đầu hè
Khẽ máy tôi ra, thủ thỉ
“Mày ơi, nghĩ lại không đành
Đi thì yên một thân tao
Mẹ ốm, lấy ai nuôi mẹ?
Cái kiếp thằng tao
Sao mà khổ thế!
Tí nữa đây tao ló mặt về
Cầm chắc ăn đòn bội nhị”
Nó lắc đầu, ra vẻ muốn quên đi
Những trận đòn đau sắp tới:
“Thôi lại sáng mai
Bến đò nhé, cõng em theo, tớ đợi
Bờ sông lúc nãy tớ đi qua
Sáo sậu về vô khối
Ngày mai bắt sống một con chơi
Lột lưỡi dạy cho nó nói...”

*

Tết đến, xuân về
Phây phây mưa bụi
Xanh non lá lộc nhú cành khô
Tím nhạt hoa xoan rơi ngõ lội
Xuân vui nhà ngói nhà lim
Xuân chẳng vui gì nhà tre xóm Núi
Nhà lý trưởng Cời
Pháo đốt điếc tai từ sáng tinh mơ tới tối
Nhà tôi tết đến cũng như không
Ba nén hương đen
Thơm chẳng có thơm nhưng cũng khói

Xong tết bên sông làng mở hội
Một hàng cờ cắm đỏ đuôi nheo
Mặt sông chẳng ngớt đò qua lại
Vách núi ầm vang tiếng trống chèo

Ba gian đình cổ người đông nghịt
Trống cái, dùi găng, lý trưởng dẻo tay chầu
Tôi rủ Đinh chen vào góc cột
Chèo Thạch Sanh đang dọn lớp giáo đầu

...

Hồi trống giãn trò vừa dứt
Cũng vừa gà gáy sang canh
Sương trắng mù sông, gió tháng giêng vẫn lạnh
Hai trẻ nhà nghèo manh áo vá phong phanh

Đò trở ngang sông
Đinh ghé tai tôi nói nhỏ:
“Lúc nãy tao trông lão lý trưởng Cời
Sao giống hết Lý Thông, mày ạ!
Cũng ria mép đen thui,
Cũng mắt lươn trắng dã
Từ rày đừng gọi Lý Cời
Cứ gọi Lý Thông, nhớ nhá!”

Sau đêm chèo lòng tôi tơ tưởng mãi
Tôi thường bàn tán với Đinh
Thương họ Thạch hàn vi côi cút
Ôi, cảnh chàng ta sao giống cảnh tụi mình
Đêm rặt nằm mơ tiên cho phép lạ
Thấy gốc đa nào cũng ngỡ có Thạch Sanh...

Đinh vội cướp lời, kể lể
“Tao cũng thế, cũng nằm mơ thấy thế
Tao đương cắt cỏ bờ sông
Tiên hiện lên, dạy nhiều phép thần thông
Tao tức tốc chạy về nhà lý trưởng
Thằng Lý Cời – thằng Lý Thông luống cuống
Vội vàng nó hoá Trăn Tinh
Phun lửa đốt tao, lửa bốc tày đình
Tao không sợ, tao liền hoá phép
Chăng lưới thép, giơ búa thần lẫm liệt
Chém đứt đầu trăn máu chảy ròng ròng...”

Hai đứa nhìn nhay thích chí
Tưởng đâu đời sắp sướng rồi
Như họ Thạch hết hồi bĩ cực
Được gảy đàn thần, cưới vợ, lên ngôi...

Nhưng rồi, hai đứa chúng tôi
Sự thật ngày thêm cơ cực quá
Chẳng một lần được tiên cho phép lạ
Những giấc mơ theo ngày tháng tàn phai
Xóm Núi, làng Mai
Nghèo đói càng thêm nghèo đói
Thím Hợi hát rong không sống nổi
Chậu thau mòn bán rẻ tự hồi xưa
Bị gậy xin ăn, cơm cặn canh thừa
Đêm mưa tối vẫn kể “Bần nữ thán
Mẹ tôi da dẻ ngày đen sậm
Kỳ giở giời lưng nhức chân tê
Những hôm mưa gió dầm dề
Ba mẹ con chỉ ngày lưng bát cháo
Nghèo rớt mồng tơi
Không mua nổi chỉ kim vá áo
Những chỗ rách to đành buộc túm bằng rơm
Thằng bạn Đinh mấy bận ngỡ đi luôn
Mấy bận lại quay về chịu đánh
Lưng cháy nắng lại roi lằn máu quánh
Súng cao su không bắn chết được chằn tinh
Xám ngắt ao tù
Ngày tháng quẩn quanh
Cùng đường nghẽn lối
Lý trưởng Cời cây thóc cao ngang núi
Xây nhà tây chót vót hai tầng
Cửa sổ há ra như mồm những con trăn
Muốn nuốt chửng cả làng Mai xóm Núi
Trong nhà nó cứ vui như mở hội
Tiệc tùng luôn, xóc đĩa, tổ tôm tràn
Dựng cổng chào, hương án, đón xe quan,
Bật rạp lớn, thui bò non, hạ thọ.
Tây với Nhật ra vào lố nhố,
Bắt phu, cướp thóc,
Nghênh ngang súng ngắn, gươm dài.
Khắp cả vùng ngậm đắng nuốt cay,
Trời nghiêng đất lệch.

*

Mẹ Đinh chết, gói lạt tre chiếu rách,
Xé giát giường làm bó đuốc, đưa đêm.
Trước lúc xuôi tay bà chỉ ước ao thèm
Một bát canh cần cá quả.
Tiền chẳng một chinh, Đinh đã hết đường xoay xoả.
Nhà lý Cời cá béo sống đầy chum,
Đinh đánh liều lấy trộm một con,
Về nấu bát canh cho mẹ.
Trời chiều bóng xế...
Đinh múc canh, bưng đến cạnh giường,
Nhưng mẹ Đinh tay đã bắt chuồn chuồn,
Không ăn được nữa.
Đinh trợn mắt, rụng rời nghẹn thở,
Bát canh rơi vỡ tan tành...

Tối hôm sau tôi đến tìm Đinh,
Cuối xóm đường đi lút cỏ.
Rờn rợn mùi hương, lều tối loé lên ba chấm đỏ.
Đinh đương quỳ khấn nỉ non:
“- Mẹ có khôn thiêng phù hộ cho con...”
Biết tôi đến, Đinh đứng lên, bí mật:
“- Tao đi thật, chuyến này, đi thật!
Tao định rủ mày, hai đứa với nhau...”
Tôi hỏi: “Đi đâu?”
Nó rằng: “Không phải hỏi,
Đâu cũng được, Sơn Tây, Hà Nội,
Thân lập lấy thân
Hai bàn tay làm lấy mà ăn,
Không để đói, không để ai đánh chửi.”

Dằng dặc trời sao chấp chới,
Gió may sương muối rét tê người.
Hai đứa vòng qua ngõ lý Cời,
Dừng lại ngó toà nhà tây cao ngất.
Cửa kính xanh lè, tường vôi trắng toát,
Đừng lù lù như con Mãng Xà Vương
,
Tu luyện lâu năm, chắn lối ngăn đường.
Đinh chửi một câu, rút súng cao su, lắp đạn,
Giơ chạng ổi kéo căng dây, nó bắn,
Nghe một tiếng choang.
Một khung kính cửa vỡ tan.
Đàn chó sủa ầm, hốt hoảng,
Hai đứa vội vàng ba chân bốn cẳng...

Trời rét.
Đêm khuya,
Đò vắng,
Cởi áo quần hai đứa lội qua sông.
Tưởng mình như hai gã tiểu đồng,
Lặn lội tìm Tiên xin phép lạ.
Nghĩ tới mẹ cùng em, bỗng dưng tôi nhớ quá!
Qua sông. Trời sắp sáng rồi.
Ngoảnh trông xóm Núi, bồi hồi,
Chắc mẹ đêm qua lại khóc.
Xóm Núi sương giăng,
Mặt trời chưa mọc.
Đó đây nghe đã rộn canh gà.

Bỏ làng đi năm bốn mươi ba.
Hai đứa mới mười sáu tuổi...

Nam Định 1961

Hoa với Rượu

Thấy rét, u tôi bọc lại mền,
Cô hàng cất rượu ủ thêm men.
Mẹ cha mất sớm còn em nhỏ,
Say cả tư mùa cho khách quen.

Em nhỏ là Nhi, bạn nhỏ tôi,
Suốt ngày hai đứa nhẩn nha chơi.
Chị Nhi bán rượu đôi chiều chợ,
Vẫn nhớ mua quà cho cả đôi.

Hai đứa thường nhân buổi vắng nhà,
Người ta bắt chước chị người ta!
Ra vườn nhặt những hoa cam rụng,
Về bỏ đầy nồi cất nước hoa.

Nước hoa tuy chẳng thơm là mấy,
Hai đứa bôi đầy cả tóc nhau.
Hí hửng bảo nhau: Thơm đấy chứ,
Nước hoa ngoài tỉnh thấm vào đâu!

Một tối nhà Nhi có giỗ thầy
Chị Nhi cho uống rượu cay cay,
Chừng đâu chén nhỏ làm hai đứa
Mặt đỏ lên rồi, chếnh choáng say.

Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài
Bất đồ ngủ đến sáng ngày mai
Chị Nhi cứ chế làm sao ấy
Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.

Chị Nhi thường nói với u tôi
Hai đứa thưa bà đến đẹp đôi
U tôi liền đáp ngay như thật
Tôi có nàng dâu giúp đỡ rồi

Thuở ấy làm sao thật thái bình¹
Trai hiền bạn với gái đồng trinh
Đời say men rượu thơm hoa rụng
Tràn những ngây thơ ngập cảm tình

Ấy thế mà rồi cách biệt nhau
Nhà Nhi không biết chuyển đi đâu
Mình tôi giời bắt làm thi sĩ
Mẹ mất khi chưa kịp bạc đầu

Bỏ lại vườn cam bỏ mái gianh
Tôi đi dan díu với kinh thành
Hoa thơm mơ mãi vườn tiên giới
Chuốc mãi men say rượu ái tình.

Rượu ái tình kia thành thuốc độc
Vườn trần theo bướm phấn hương bay
Đời tôi sa mạc, ôi sa mạc
Hoa hết thơm rồi, rượu hết say.

Trăm sầu nghìn tủi mình tôi chịu
Ba bốn năm rồi năm sáu năm
Khóc vụng mỗi lần tôi nhớ lại
Men nồng gạo nếp nước hoa cam.

Xa lắm rồi Nhi! Muộn lắm rồi
Bẽ bàng lắm lắm nữa Nhi ơi!
Từ ngày Nhi bỏ nơi làng cũ
Mộng ngát, duyên lành cũng bỏ tôi.

Chắc ở nơi nào, dưới mái tranh,
Chị em Nhi vẫn sống yên lành,
Chị Nhi cất rượu cho Nhi bán.
Hồn vẫn trong mà mộng vẫn xinh.

Ngày xưa còn bé, Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì,
Tháng tháng, mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say Nhi.

Xóm chị em Nhi ở mấy nhà?
Bến đò sông vắng? Chợ gần, xa?
Nhà Nhi thuê có vườn không nhỉ?
Vườn có trồng cam, có nở hoa?

Mơ tưởng vu vơ, lòng dối lòng
Thực ra có phải thế này không
Chị Nhi đã lấy chồng năm trước
Nhi đến năm sau lại lấy chồng?

Ước gì trên bước đường lưu lạc.
Một buổi chiều nao, lạnh gió mưa
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa.

Ngồi bên lò rượu đêm hôm đó
Nhi rót đưa tôi nước rượu đầu.
Nhắc lại ngày xưa mà thẹn lại
Ngậm ngùi hai đứa uống chung nhau.

Tôi kể: U tôi đã mất rồi
Cửa nhà còn có một mình tôi...
Nhi rằng: Ngày trước u thường nói
Hai đứa mình trông đến đẹp đôi...

Chị em mới lấy chồng năm trước
Chồng chị trồng cam ở mé sông.
Em ở mình đây nhà trống trải
Trăng vàng đầy ngõ, gió mênh mông...

Như truyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
Vườn xuân trắng xoá hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng.

Rượu cất kỹ ngon, men ủ khéo
Say người, thiên hạ lại say nhau,
Chiều chiều hai đứa sang thăm chị
Chồng hái hoa cho vợ giắt đầu.

Chao ơi! Là mộng hay là thực?
Là thực hay là mộng bấy lâu?
Hai đứa sống bằng hoa với rượu
Sống vào trời đất, sống cho nhau.

Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa, rượu ế, ấy tình tôi,
Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng
Gặp lại nhau chi, muộn mất rồi!²

Huế 1941

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)

Qua nhà (Gần xa)

Cái ngày cô chưa có chồng
Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa
Lối này lắm bưởi nhiều hoa...
(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)

Một hôm thấy cô cười cười
Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng
Biết đâu, rồi chả nói chòng:
Làng mình khối đứa phải lòng mình đây!

Một năm đến lắm là ngày
Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng
Từ ngày cô đi lấy chồng
Gớm sao có một quãng đồng mà xa

Bờ rào cây bưởi không hoa
Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo.
Lợn không nuôi, đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng thời mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều.

Nguyễn Bính

Tập thơ Tâm hồn tôi (1940)
Tập thơ Nước giếng thơi (1957) có tiêu đề là Gần xa

Mưa xuân (I)

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

Em xin phép mẹ vội vàng đi,
Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe.
Mưa nhỏ¹ nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay đường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng².

Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt,
Lạnh lùng em tủi với đêm khuya.³

Em giận hờn anh cho đến sáng,
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
“- Thưa u họ hát...” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.

*

Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay,
Hoa xoan đã nát dưới chân giày.
Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ,
Mẹ bảo mùa xuân đã cạn ngày.

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày!
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ Hội Đặng đi ngang ngõ,
Để mẹ em rằng hát tối nay?

1936

Tập thơ Lỡ bước sang ngang, 1940
Tuyển tập Nguyễn Bính, 1986

¹ Có bản in là “Mưa bụi”.

² Chữ này có bản chép là “nhỡ nhàng” hoặc “lỡ làng”. Thực ra, ba chữ ấy không hoàn toàn tương đương nhau. Bẽ bàng là thái độ (hổ thẹn), lỡ làng là cảnh ngộ (bất đạt, bất thành một cách ngang trái, hẩm hiu). Về từ nguyên, có thể lỡ làng và nhỡ nhàng cùng gốc nghĩa. Nhưng sắc thái khác nhau gần đây có phần rõ ra: về biểu thái - lỡ làng nặng, còn nhỡ nhàng nhẹ hơn, về biểu niệm - chữ trước như là “thể hoàn thành”, nghiêng về nghĩa hoàn kết, chữ sau như là “thể chưa hoàn thành”, nghiêng về nghĩa sơ chớm. Trong tình cảnh của cô gái mới lỡ một cuộc hẹn này, chữ nhỡ nhàng nghe phải hơn chăng? Nhỡ nhàng đây sẽ là khởi đầu cho những lỡ làng về sau.

³ Có bản in là “Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya”.

⁴ Khổ thơ này có ở bản in lần đầu trong tập Lỡ bước sang ngang (NXB Lê Cường, 1940), nhưng đã được tác giả bỏ đi trong những lần in sau cho hàm súc hơn.


1936

Tập thơ Lỡ bước sang ngang (1940)
Tuyển tập Nguyễn Bính, Nxb Văn học (1986)

Xóm Ngự Viên

Lâu nay có một người du khách
Gió bụi mang về xóm Ngự viên¹.
Giậu đổ, dây leo, suồng sã quá!
Hoa tàn, con bướm cánh nghiêng nghiêng.
Buồn thu rơi nhẹ đôi tờ lá,
Xóm vắng, rêu xanh, những lối hèn!
Khách du lần giở trang hoài cổ,
Mơ lại thời xưa xóm Ngự viên.

*

Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây hoa cỏ giống vườn tiên?
Sớm Ðào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn,
Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Ðỗ Quyên.
Ðức vua một sớm đầu xuân ấy
Lòng đẹp theo giời, dạo Ngự viên.
Cung tần, mỹ nữ, ngời son phấn,
Theo gót nhà vua nở gót sen.
Hương đưa bát ngát ngoài trăm dậm,
Cung nữ đa tình, vua thiếu niên.
Một đôi công chúa đều hay chữ,
Hoàng hậu nhu mì, không biết ghen.

Ðất rộng can chi mà đổi chác,
Thời bình đâu dụng chước hòa Phiên?
Mẫu đơn nở đỏ nhà vua nhớ
Câu chuyện: Hô lai bất thượng thuyền.

Có phải ngày xưa vườn Ngự uyển
Là đây, hoa cỏ giống vườn tiên?
Gót sen bước nhẹ lầu Tôn nữ,
Ngựa bạch buông chùng áo Trạng nguyên.
Mười năm vay mượn vào kinh sử
Ðã giả xong rồi, nợ bút nghiên!

Quan Trạng tân khoa tàn tiệc yến,
Ði xem hoa nở mấy hôm liền.
Ðường hoa, má phấn tranh nhau ngó,
Nhạc ngựa vang lừng khắp bốn bên.
Thắp hương, Tôn nữ xin Giời Phật:
Phù hộ cho con được phỉ nguyền.

Lòng Trạng lâng lâng mầu phú quý,
Quả cầu nho nhỏ, bói lương duyên.
Tay ai ấy nhỉ, gieo cầu đấy ?
Nghiêng cả mùa xuân, Trạng ngước nhìn.

Trạng bắt sai rồi, lầu rủ sáo,
Có người đêm ấy khóc giăng lên!
Bóng ai thấp thoáng sau bờ trúc,
Chẳng Tống Trân ư, cũng Nguyễn Hiền!

*

Khách du buồn mối buồn sông núi,
Núi lở, sông bồi, cảnh biến thiên!
Ngự viên ngày trước không còn nữa,
Giờ chỉ còn tên: Xóm Ngự viên.

Khoa cử bỏ rồi, thôi hết Trạng,
Giời đem hoa cỏ giả vườn tiên!
Tôn nữ ngồi đan từng chiếc áo,
Dân thường qua lại, lối đi quen.

Nhà cửa xúm nhau thành một xóm,
Cay nồng hơi thuốc lẫn hơi men.
Mụ vợ Bắc Nam người tứ xứ,
Anh chồng tay trắng lẫn tay đen.
Ðổi thay tình nghĩa như cơm bữa,
Khúc Hậu Ðình Hoa hát tự nhiên.
Nhọc nhằn tiếng cú trong canh vắng,
Nhao nhác đàn dơi lúc đỏ đèn...

Hôm nay có một người du khách,
Ở Ngự viên mà nhớ Ngự viên!

Huế, tháng 9/1941

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)