Tác dụng của Cúc hoa
Theo Đông y Cúc nói chung tính vị ngọt cay, vào 3 kinh phế can thận; có tác dụng dưỡng âm, ích can, tán phong thấp, thanh đầu mục, giáng hoả, giải độc. Cúc trắng vị ngọt nhiều hơn đắng, tính hơi hàn, thiên về khí phế. Cúc vàng vị cay đắng nhiều hơn, ngọt tính, hơi ôn thiên về can huyết.Dược tính của Cúc hoa là do hấp thụ được “khí thu”, “sương thu”, “tiết thu” mới có, do đó Cúc hoa để làm thuốc không thể trồng hái tuỳ tiện vào mùa khác được, cũng không thể thay thế các vị Thu cúc bằng các loại dược Cúc khác.
Rượu Cúc Hoa:
Dùng hoa Cúc tháng 8,9, nấu lấy nước cốt để nấu cơm nếp làm rượu. Cất rượu vào bình kín dùng dần; muốn tốt hơn thì trong nước nấu cơm nên gia thêm nước cốt Sinh điạ, Đương quy, Câu kỷ tử, và một số vị thuốc bổ khác thì công hiệu càng cao. Chữa được những chứng đầu phong, đau nhức, chóng mặt tối sầm; nó còn có thể làm cho đầu óc sáng suốt, mắt tinh, tai tỏ, chữa các chứng tê bại và một số chứng bệnh của tuổi già: thân thể gày còm ốm yếu, chảy nước mắt sống, nhiều dử, mắt kéo màng rộng; nó còn làm cho sức lực dồi dào, ăn ngon ngủ dễ, chống lại bệnh xơ vữa động mạch, các chứng bệnh mạch vành.
Rượu Tứ quý Cúc hoa:
Được chế biến công phu với nguyên liệu được thu hái trong cả một năm: Ngọn cúc mùa xuân, lá cúc mùa hạ, hoa cúc mùa thu và rễ cúc mùa đông. Các vị trên được thu hái vào các thời điểm trong cả 4 mùa, phơi khô trong bóng râm, tránh nắng trực tiếp, không được hong, sấy quá nóng (Cúc kỵ lửa) và khi đủ vị thì sắc lấy nước, dùng nước đó để nấu rượu như rượu Cúc hoa.