Tình Ca (Phạm Duy)

    “Tình Ca”, một trong những tác phẩm tiêu biểu của cố nhạc sỹ Phạm Duy viết về đất nước. Tác phẩm được ông viết năm 1953 với mơ ước lớn lao về một sự gắn kết con người Việt Nam trên quê hương, đất nước.

    Sau khi tung ra Tình Hoài Hương, tôi có ngay bài Tình Ca xưng tụng tiếng nói, cảnh vật và con người Việt Nam. Mùa Xuân năm đó, trong gian phòng bốn thước vuông ở căn nhà gỗ ngõ Phan Thanh Giản, tôi vừa bế con (Phạm Duy Minh mới ra đời) vừa hát: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi/ Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi tiếng ru muôn đời… Bài Tình Ca này không còn thẳng băng ruột ngựa như những bài ca kháng chiến trước đây. Bây giờ nó muốn gắn bó tất cả người dân trong nước bằng một tình cảm thống nhất: tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi, yêu người nước tôi.


    Bằng tài năng của mình, ông đã miêu tả những gì đặc sắc nhất của quê hương đất nước qua 3 đặc điểm đặc trưng: tiếng nói, địa hình và con người, ông nói: “Tôi yêu tiếng nước tôi, yêu đất nước tôi và yêu người nước tôi”. Đố cũng chính là 3 thứ bản sắc cốt lõi của dân tộc Việt, không trùng lặp với bất cứ một quốc gia, một dân tộc nào khác.

Định mệnh khiến cho tôi, một cá nhân tầm thường, qua một bản Tình Ca ngắn ngủi, đưa ra khái niệm con người Việt Nam với địa dư, lịch sử và tiếng nói chung của một dân tộc đã từng chia sẻ với nhau trên vài ngàn năm lẻ. Tôi làm được việc này vì tôi có may mắn được đi ngang đi dọc nhiều lần trên bản đồ hình chữ S, gặp gỡ đủ mọi hạng người trong xã hội, nhất là được sống với những nổi trôi của lịch sử từ thời thơ ấu qua thời vào đời tới thời cách mạng kháng chiến.” - ông viết trong hồi ký

    Tình yêu đó bắt nguồn từ vô thức, trong sâu thẳm trái tim của mỗi con người, từ tiếng khóc chào đời, từ lời ru của mẹ:
Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời.
    Lời ru của mẹ dịu dàng, trầm bổng, ngọt ngào đưa con trẻ vào những giấc mơ an lành. Lời ru ấy, đôi khi thật là khó hiểu, mơ hồ và xa vời với tâm hồn non nớt của đứa trẻ, nhưng cũng chính những lời ru ấy đưa đứa trẻ vào những giấc mơ, những tưởng tượng, bay bổng của thời thơ ấu, có cánh cò, con vạc, lũy tre...
    Tiếng nói ấy, cũng chính là tiếng của ông cha, xuyên suốt bốn nghìn năm lịch sử, từ thuở sơ khai đi cùng những thăng trầm của đất nước, được gìn giữ và truyền lại cho đến ngày nay cũng như từ lúc nằm nôi đến khi trưởng thành của một con người
Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui .
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi.
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!
    “Tiếng nước tôi” còn truyền tải cả một dòng chảy văn hóa dân tộc, những bài ca dao, tục ngữ, điệu lý câu hò, những câu chuyện dân gian, những bài đồng dao... là phương tiện truyền tải từ những tâm tư tình cảm của mỗi con người tới một niềm tin vào sự trường tồn của dân tộc
Tôi yêu tiếng ngang trời.
Những câu hò giận hờn không nguôi!
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi.
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

    Ở phần tiếp theo, cảnh vật quê hương đất nước hiện lên qua những ruộng đồng, sông núi, nối liền từ Bắc vào Nam:

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh.
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình.
Nhìn trùng dương hát câu no lành.

Từ núi cao xuống đồng bằng, từ ruộng đồng vươn ra biển lớn, từ Bắc vào Nam với hình ảnh của dãy Trường Sơn hùng vỹ, của những ruộng lúa thẳng cánh cò bay

Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn.
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi!
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng.
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!

    Và không thể thiếu, đó là hình ảnh 3 con sông, những địa danh thân thuộc với từng vùng miền đất nước cũng hiện lên trong những câu ca. Sông Hương thơ mộng trữ tình, Cửu Long hiền hòa đem lại màu mỡ cho những ruộng lúa phì nhiêu và Sông Hồng cuộn sóng, khởi nguồn của nhiều cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc

Tôi yêu những sông trường.
Biết ái tình ở dòng sông Hương.
Sống no đầy là nhờ Cửu Long
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong.

    Tất cả như cất lên lời ca hòa vào bản nhạc vĩ đại của đất nước, kêu gọi người Việt hãy thấu hiểu và yêu thương nhau, cùng chung tay xây dựng đất nước như câu kết của phần thứ hai

Người yêu thế giới mịt mùng.
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng ư đồng Việt Nam.
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung, Nam, Bắc kết hàng là hàng mến nhau.

    Phần thứ ba, ông dành ca ngợi những con người Việt Nam cần cù, chịu thương chịu khó những cũng hiên ngang trước thiên nhiên khắc nghiệt để vươn lên xây dựng cuộc sông ấm nó. Không bắt đầu từ những ông hoàng bà chúa, những danh nhân văn võ mà ông bắt đầu từ hình ảnh người nông phu rám nắng, bà mẹ quê cần cù và những đứa trẻ ngây thơ. Và cũng chính những con người đó, đã đi dọc chiều dài đất nước để gìn giữ và mở rộng bờ cõi Việt Nam

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu.
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo.
Mình đồng da sắt không phai màu.

Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao.
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi!
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao.
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi!

    Trong suốt cuộc hành trình lịch sử đó, không thể thiếu những con người kiệt xuất, những con người đã ngã xuống cho đất nước, cho dân tộc, những chiến công lừng lẫy. Phạm Duy đã viết về họ một cách đầy tự hào những cũng không kém phần xót xa

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa.
Những anh hùng của thời xa xưa.
Những anh hùng của một ngày mai.
” 

   Bằng tình yêu quê hương đất nước, Phạm Duy đã viết nên một tác phẩm đặc sắc, đi sâu vào lòng người, để lại rất nhiều cảm xúc, vui buồn trong từng lời ca, tiếng nhạc.

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài ư bài Tình Ca.
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà.
Lòng tôi đã nở như là ừ là đóa hoa.