Táo quân

Ông Táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may, rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình gia chủ. Vì vậy tục cúng ông Táo mang ý nghĩa cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ, sau đó mới đến ý nghĩa thờ "thần Bếp" chuyên cai quản việc bếp núc.
Ông Táo về trời sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Cá chép là phương tiện để ông Táo cưỡi về trời. Vào ngày này, sau khi cúng lễ xong, các gia đình đều cúng con cá chép rồi đem ra sông hay ra ao...thả. Bởi ngụ ý "cá vượt Vũ môn" hay "cá chép hóa rồng", cá chép mang ý nghĩa biểu tượng cho sự thăng hoa, tinh thần vượt khó, sự kiên trì và bền bỉ để đi tới thành công, mong muốn năm mới có sự thăng tiến, thay đổi tốt đẹp năm cũ.
Sự tích: 
Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt đồng hóa với 3 ông đầu rau thành huyền tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Khác với Táo Quân của Trung Quốc (theo từng sách mà có tên gọi sự tích khác nhau), ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau:
Có hai vợ chồng ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, người chồng giận quá, đánh vợ. Người vợ bỏ nhà ra đi sau đó gặp và bằng lòng làm vợ một người khác. Khi người chồng hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên đành phải đi ăn xin.
Khi người chồng cũ đi ăn xin đến nhà người vợ, hai bên nhận ra nhau. Người vợ mời chồng cũ vào nhà, hai người đang tâm sự thì người chồng mới trở về, sợ khó giải thích, nên người vợ bảo chồng cũ ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Người chồng mới về nhà không biết nên ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng (có tích nói rằng để thui một con vật mới săn được). Người chồng cũ vì thế bị chết thiêu. Người vợ trong nhà chạy ra thấy vậy nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Người chồng mới quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Linh hồn của ba vị được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy ba người đều có nghĩa, nên sắc phong cho làm Táo Quân, gọi chung là: Định Phúc Táo Quân (定福灶君), mỗi người giữ một việc:
 - Thổ Công, trông coi việc bếp. Danh hiệu: Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
 - Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa. Danh hiệu: Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
 - Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Danh hiệu: Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần
Ngày 23 tháng Chạp chính là ngày cả 3 vị hóa, cũng là ngày cuối năm vậy nên dân gian lấy ngày này để cúng Táo Quân.
 Lễ vật cũng Táo Quân:

Mã cúng ông Táo ngày nay
Lễ vật cúng ông Táo gồm: mũ ông Công ba chiếc. Ngày trước, chiếc mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn; mũ dành cho Táo bà thì không có cánh chuồn. Những mũ này được trang sức với các gương nhỏ hình tròn lóng lánh và những giây kim tuyến màu sắc sặc sỡ. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Có khi chỉ cúng tượng trưng một chiếc mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.
Những đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta sẽ lập bài vị mới cho Táo Công.
Ngoài ra, còn cúng cá chép để các ông, bà Táo có phương tiện về chầu trời, ở miền Bắc người ta còn cúng một hoặc ba con cá chép còn sống thả trong chậu nước, ngụ ý "cá hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Con cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông) sau khi cúng. Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Miền Nam thì lễ vật đơn giản, họ chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm mâm cỗ mặn hay lễ chay để tiễn Táo Quân.
Văn khấn nôm:
(năm) niên (tháng) nguyệt (ngày) nhật
Cung thỉnh:
Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân
Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần
Tín chủ con là: .......................... đồng gia đẳng
Ngụ tại: Việt Nam quốc ..... tỉnh/thành ........ quận/huyện .......phường/xã .......... thôn (địa chỉ từ lớn xuống bé)
Nhân ngày 23 tháng Chạp tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật xiêm hài áo mũ, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, dâng hiến tôn thần, đốt nén tâm hương dốc lòng bái thỉnh.
Chúng con kính mời:
Ngài Đông trù tư mệnh Táo Phủ thần quân, Thổ Địa Long Mạch Tôn Thần
Ngũ Phương Ngũ Thổ Phúc Đức Chính Thần giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám.
Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái.
Dãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám.
Cẩn cáo