Bài thơ vần Rẫy


Nhớ ngày tôi vào chơi Hà Tiên
Chiều chiều cùng chị về trong Rẫy
Đường mòn, bóng nhạt soi tà tà
Biển khơi, gió mặn thổi hây hẩy

Giậu thưa, rau muống loe màu xanh
Bờ vắng, chim cu ồn tiếng gáy
Thân cau thương nhớ ai gầy mòn
Tay chuối đợi chờ ai ve vẩy...
Hoa tươi gặp gió tha hồ rung
Trái chín gần tay tự do hái
Đời người đã thong thả thế ru?
Đời người đã sung sướng đến vậy:

Vườn cây, gió thổi lộng muôn cành
Nhà cỏ, trăng soi vàng nửa mái.
Thềm trăng, trải chiếu ngồi song song
Bàn chuyện Tam Quốc cười sảng khoái.
Khương Duy mật to như trứng gà
Mã Siêu mặt đẹp như con gái
Mê gái cửa thành giết bố nuôi¹
Vì nước qua thuyền giành chúa dại
Xót anh, may áo tang ba ngày
Nhớ nghĩa, đường cùng thả giặc chạy
Vận trời thế đất đang chông chênh
Thiên hạ chia ba, ai thắng bại?
Ai ngờ ông trời làm trò đùa
Cả ba chân vạc theo nhau gẫy.

Dần dà nói đến chuyện nhân duyên
Chị có cô cháu tuổi mười bảy
Tóc dài chấm gót má hồng tươi
Mi vòng cánh cung mắt đen láy
Chị ơi! trôi nổi là thân tôi
Cánh buồm bạt gió trôi hồ hải
Than ôi! không có giá liên thành
Để đổi cho tròn viên ngọc ấy!

Xứ người lần lữa gót phiêu linh
Quê cũ cha anh hết trông cậy.
Tấm thân bảy thước chửa ngang tàng
Khói lửa bốn trời đã bốc dậy.
Con thuyền dầu lạc hướng phương nào
Vẫn nhớ ai người nơi tuyệt tái!

Chừng nào mới lại vào Hà Tiên
Chiều chiều cùng chị về trong Rẫy?
Chắc chẳng bao giờ nữa, chị ơi:
“Hoa lưu động khẩu ưng trường tại...”


Bài thơ này được thấy trong tập tuỳ bút của Mộng Tuyết (Thất tiểu muội), nhan đề Dưới mái trăng non, NXB Mạc Lâm, Yễm Yễm Thư Quán, 72D, Trần Văn Thạch, Sài Gòn tổng phát hành.

¹ Câu này có lẽ tác giả nhầm với Lã Bố mê Điêu Thuyền mà giết Đổng Trác

Bài thơ quê hương


Trải nghìn dặm trời mây bạn tới.
Thăm quê tôi, tôi rất đỗi vui mừng!
Bạn nán lại cùng tôi thêm buổi nữa.
Để tôi xin kể nốt chuyện quê hương.

...Quê hương tôi có cây bầu cây nhị
Tiếng “đàn kêu tích tịch tình tang...”
Có cô Tấm náu mình trong quả thị,
Có người em may túi đúng ba gang.

Quê hương tôi có ca dao tục ngữ,
Ông trăng tròn thường xuống mọi nhà chơi.
Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ,
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi.

Con chim nhỏ cũng đau hồn nước mất
“Cuốc cuốc” kêu rỏ máu những đêm vàng
Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc.
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng.

Quê hương tôi có bà Trưng, bà Triệu
Cưỡi đầu voi, dấy nghĩa, trả thù chung.
Ông Lê Lợi đã trường kỳ kháng chiến,
Hưng Đạo vương đã mở hội Diên Hồng.

Quê hương tôi có múa xoè, hát đúm,
Có hội xuân liên tiếp những đêm chèo.
Có Nguyễn Trãi, có “Bình Ngô đại cáo”.
Có Nguyễn Du và có một “Truyện Kiều”.

Quê hương tôi có Trường Sơn một dải,
Có Hồng Hà lại có Cửu Long Giang
Có Hà Nội có hồ Tây, hồ Kiếm.
Chợ Đồng Xuân bày đủ mặt hàng.

Quê hương tôi có sầu riêng, măng cụt
Lòng bưởi đào, lòng gấc đỏ như son.
Có gạo tám xoan thổi nồi đồng điếu,
Cam xã Đoài ai bóc cũng thơm ngon.

Cánh đồng nào cũng chôn vàng giấu bạc,
Bờ biển nào cũng chói ngọc ngời châu.
Có thanh quế ngửi qua là khỏi bệnh,
Có cây lim đóng cả một thân tầu.

Quê hương tôi có những người con gái
“Một ngày hai bữa cơm đèn...”
Cách sông cái cũng bắc cầu dải yếm,
Cho chàng sang đính ước chuyện nhân duyên.

Trong bụng mẹ đã từng mê tiếng hát;
Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ.
Những trẻ nhỏ nằm nôi hay đặt võng,
Sớm hay chiều, đều mượn cánh cò đưa.

Khi có giặc những tre làng khắp nước,
Đều xả thân làm ngọn mác, mũi chông,
Những trai gái thôn Đông, xóm Bắc
Thoắt vươn vai thành những anh hùng...

Quê tôi đó - bạn ơi! - là thế đó.
Mà nghìn năm rặt những tiếng kêu thương
Sung sướng làm sao! Bỗng một ngày: có Đảng
Có Bác Hồ, làm sống lại quê hương.

Đánh Nhật, đuổi Tây cứu dân, dựng nước
Hai mươi năm kể biết mấy công trình!
Và từ đây, núi sông và cuộc sống.
Và quê hương mới thực sự của minh.

Cuộc đời mới con người cũng mới,
Khắp bốn phương lộng lẫy ánh sao cờ,
“Đoàn quân Việt Nam đi... chung lòng cứu quốc...”
Đầu ngẩng cao từ cách mạng mùa thu.

Những xiềng xích nghìn năm đều bẻ gãy.
Những bài ca điệu múa lại vui tươi.
Những trận khóc đêm dài không có nữa.
Thành thị nông thôn rộn rã tiếng cười.

Trong luỹ tre xanh vui mùa hợp tác,
Mái ngói nhô lên như những nụ hoa hồng.
Chung ruộng, chung trâu, chung lòng, chung sức
Chung con đường gặt lấy ấm no chung.

Trong xưởng máy tưng bừng như đám hội.
Những chủ nhân là chính những công nhân.
Tiếng máy reo chen tiếng cười tiếng hát,
Chẳng còn đâu tiếng chủ thét, cai gầm!

Những nhà thơ được tự do ca ngợi,
Quê hương. Tổ quốc, con người...
Và đời sống khỏi túng, nghèo, đói, khổ.
Khỏi bị ai khinh rẻ, dập vùi!

Đời trước thường mơ chuyện tiên, chuyện Phật,
Truyện thiên đường trong những cõi hư vô...
Đời nay dựng thiên đường trên mặt đất,
Dựng mùa xuân trong tất cả bốn mùa.

Khi con người được tự do giải phóng.
Đất rộng hơn mà trời cũng xanh hơn.
Quả trên cành cũng thêm ngon, thêm ngọt,
Hoa trong vườn cũng thêm sắc, thêm hương.

Và ý nghĩa những ca dao, tục ngữ
Ngày càng thêm thắm thiết, ngọt ngào.
Và “Truyện Kiều” mới có chân giá trị,
Và Nguyễn Du mới thành đại thi hào.

Thửa ruộng cũ cấy thêm mùa lúa mới,
Khung trời quê mọc những nóc lò cao.
Dây “cao thế” đã chăng dài khắp nẻo,
(Xóm làng tôi điện sẽ át trăng sao).

Những gỗ tốt đã dựng câu lạc bộ,
Gạo tám xoan thơm bếp lửa nhân dân.
Những cô Tấm tự tay xây hạnh phúc
Chẳng phải gian nan hoá kiếp mấy lần.

Và lớp lớp những anh hùng xuất hiện.
Sức thanh niên: sức Phù Đổng là đây!
Đẩy biển lùi ra, ngăn sông đứng lại,
Khẩu súng trường cũng hạ nổi máy bay.

Hội Diên Hồng thôn xã nào cũng mở,
Chuyện “kháng chiến trường kỳ” ai cũng nhớ nhập tâm.
“Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”
Câu ấy giờ đây đã đúng cả trăm phần.

Đảng cùng dân đã viết thêm lịch sử,
Lửa Điện Biên sáng dậy cả trăm năm.
Lửa Ấp Bắc, Chu Lai cũng bừng rực rỡ,
Lửa chiến công đang chói lọi miền Nam.

Khi có Đảng, có Bác Hồ lãnh đạo;
Có truyền thống cha ông để lại tự bao đời.
Thì đánh Mỹ nhất định là phải thắng
Chuyện ấy, quê tôi, thành chuyện dĩ nhiên rồi.

***

Câu chuyện quê tôi, sơ sài mấy nét.
Bạn trở về xin kể mọi người hay.
Riêng phần tôi có thơ này tặng bạn,
Tặng quê mình, nhân dịp tết năm nay.

Tết Bính Ngọ, 1966

Báo Văn nghệ Nam Hà, số Tết Bính Ngọ (1966), trang 3

Tây Tiến

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi.
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi,
Mường Lát hoa về trong đêm hơi.

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống,
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa,
Gục lên súng mũ bỏ quên đời!
Chiều chiều oai linh thác gầm thét,
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói,
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi.

Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa,
Kìa em xiêm áo tự bao giờ.
Khèn lên man điệu nàng e ấp,
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy,
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ?
Có nhớ dáng người trên độc mộc,
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa?

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu, anh về đất,
Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Tây Tiến người đi không hẹn ước,
Đường lên thăm thẳm một chia phôi.
Ai lên Tây Tiến mùa xuân ấy,
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi.


Phù Lưu Chanh, 1948

Anh về quê cũ

Anh về quê cũ: thôn Vân
Sau khi đã biết phong trần ra sao.
Từ nay lại tắm ao đào
Rượu dâu nhà cất, thuốc lào nhà phơi.
Giang hồ sót lại mình tôi
Quê người đắng khói, quê người cay men.
Nam Kỳ rồi lại Cao Miên
Tắm trong một cái biển tiền người ta...
Biển tiền, ôi biển bao la
Mình không bẩn được vẫn là tay không...
Thôn Vân có biếc, có hồng
Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều.
Đê cao có đất thả diều
Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay.
Quả lành nặng trĩu từng cây
Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen.
Hiu hiu gió quạt, trăng đèn
Với dăm trẻ nhỏ thả thuyền ta chơi.
Ăn gỏi cá, đánh cờ người
Thần tiên riêng một góc trời thôn Vân.

Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Phương nào kết dải mây Tần cho ta
Từ nay, khi nhớ quê nhà
Thấy mây Tần biết đó là thôn Vân.

Ơi thôn Vân, hỡi thôn Vân!
Anh em ly tán, lầu dần thành ra,
Không còn ai ở lại nhà,
Hỏi còn ai nữa? Để hoa đầy vườn,
Trăng đầy ngõ, gió đầy thôn,
Anh về quê cũ có buồn không anh?


1942

Bạch đào

Tình cờ không hẹn bỗng mà nên
Một buổi đầu năm tết Kỷ Hợi
Có năm người bạn bến sông Hoàng
Gặp nhau uống rượu mừng năm mới
Chuyện thơ chuyện phú, chuyện non sông
Chuyện trước chuyện sau thật sôi nổi
Bỗng nhiên Hiếu Lang vỗ đùi khoe:
Đệ có cây đào hoa mới bói
Giống đào thật quý nhất xưa nay
Cánh trắng, bông to, sương tuyết gội...
Chợt nghe hoa quý nở vườn xuân
Bỏ ngay câu chuyện, lòng phơi phới
Nửa đêm đội mưa ra đi ngay
Quản chi nhà xa đường ướt lội
Như có người yêu hé cửa chờ
Như có bạn cũ đốt trầm đợi
Nhớ lại thời xưa Bất thượng thuyền
Lý Bạch nằm say không trở gối
Vì hoa nên phải đánh đường tìm
Đây phải chín tầng đem chiếu gọi

Đến nơi mở cửa, đốt đèn lên
Kẻ trước người sau bước vồi vội
Ra mé Tây Viên, tới gốc đào
Lặng ngắm hoa cười, im chẳng nói
Tất cả cùng chung nhớ một câu:
Hoa lưu động khẩu ưng trường tại
Khách nhân cao hứng đề thơ này.


Đề tại Tây Viên, phố Vị
Đêm mồng hai tết, năm Kỷ Hợi (1959)

Ái khanh hành

(trích)

... Không phải gặp em từ buổi ấy
Hình như gặp em từ ngàn xưa
Lòng em thương anh không có bến
Tình anh yêu em không có bờ

Viết viết có đến nghìn trang giấy
Làm ra có đến nghìn bài thơ
Tương tư một đêm năm canh chẵn
Nhớ nhung một ngày mười hai giờ.

Chao ơi!
Em ngon như rau cải
Em ngọt như rau ngót.
Em giòn như cùi dừa.
Em hiền như nước mưa
Em nhổ nước bọt xuống mặt biển
Mặt biển thơm lên hai mươi bốn giờ
Em là con Tướng trong tam cúc
Anh là quân Xe trong bàn cờ
Ví chăng có một nước Tình ái
Em là Hoàng Hậu, anh làm Vua.


Trường huyện

Học trò trường huyện ngày năm ấy,
Anh tuổi bằng em, lớp tuổi thơ.
Những buổi học về không có nón,
Đội đầu chung một lá sen tơ.

Lá sen vương vấn hương sen ngát,
Ấp ủ hai ta, chút nhuỵ hờ
Lũ bướm tưởng hoa cài mái tóc,
Theo về tận cửa mới tan mơ.

Em đi, phố huyện tiêu điều lắm,
Trường huyện giờ xây kiểu khác rồi.
Mà đến hôm nay anh mới biết,
Tình ta như chuyện bướm xưa thôi!


1938

Bảy chữ


Mây trắng đang xây mộng viễn hành,
Chiều nay tôi lại ngắm giời xanh,
Giời xanh là một tờ thư rộng,
Tôi thảo lên trời mấy nét nhanh.

Viết trọn năm dài theo vách đá,
Bốn bề lá đổ ngợp hơi thu,
Vừa may cánh nhạn về phương ấy,
Tôi gửi cho nàng bức ngọc thư.

Xe ngựa chiều nay ngập thị thành,
Chiều nay nàng bắt được giời xanh,
Đọc xong bảy chữ thì thương lắm:
“Vạn lý tương tư, vũ trụ tình”.


Bắc Giang, 1940

Xuân Hạ Thu Đông

春夏秋冬
崔顥

春遊芳草地
夏賞綠荷池
秋飲黃菊酒
冬吟白雪詩.

Xuân Hạ Thu Đông
Thôi Hiệu

Xuân du phương thảo địa
Hạ thưởng lục hà trì
Thu ẩm hoàng hoa tửu
Đông ngâm bạch tuyết thi.

Thanh bình điệu - kỳ I


清平調其一
李白

雲想衣裳花想容,
春風拂檻露華濃.
若非群玉山頭見,
會向瑤臺月下逢.

Thanh bình điệu - kỳ I
Lý Bạch

Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Nhược phi Quần Ngọc sơn đầu kiến,
Hội hướng Dao Đài nguyệt hạ phùng.


Quan Trạng


Quan Trạng đi bốn lọng vàng
Cờ thêu tám lá qua làng Trang Nghiêm
Mọi người hớn hở ra xem
Chỉ duy có một cô em chạnh buồn.
Từ ngày cô chửa thành hôn
Từ ngày anh khoá hãy còn hàn vi.
Thế rồi vua mở khoa thi,
Thế rồi quan Trạng vinh quy qua làng...


1937

Tập thơ Tâm Hồn Tôi (1940), Nước giếng thơi (1957)

Thanh đạm

Nhà tranh thì sẵn đấy
Vợ xấu thì làm sao?
Cuốc kêu ngoài bãi sậy¹
Hoa súng nở đầy ao.

Mấy sào vườn đất mới
Trồng dâu và trồng cam.
Không ngại xa, người tới
Thăm tôi, tôi cảm ơn.

Làng bên sẵn rượu ngon
Đêm nay ta đối ẩm.
Tre nhà đương cữ ấm
Tha hồ là măng non.

Đường làng không tiện xe
Sớm mai người hãy trẩy.
Cây nguyệt nằm suông mãi
Tôi xin đàn người nghe.

1936

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)

Truyện cổ tích

Em ạ! Ngày xưa vua nước Bướm
Kén tài nhân, mở Điệp lang khoa.
Vua không lấy trạng, vua thề thế
Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa.

Vua liền gọi gả con gái yêu
Nàng đẹp như em, chả nói điêu!
Vua nuông hai vợ chồng quan Thám
Cho nhởn xem hoa sớm lại chiều.

Một hôm hai vợ chồng quan Thám
Mê mải xem hoa lạc chốn về
Vợ khóc: Mình ơi em hãi lắm!
Trời chiều lạc lối tới vườn lê.

Vườn đầy hoa trắng như em ấy
Bỗng một bà Tiên hiển hiện ra
Sao mà đẹp thế? Tiên mà lại!
Nữ chúa vườn lê đi xem hoa.

Bà thấy vợ chồng con Bướm dại
Sụt sùi ngồi khóc dưới hoa lê
Đến bên âu yếm bà thương hại:
Ý hẳn hai con lạc lối về!

Đây về nước Bướm đường thì xa
Về tạm nhà ta ở với ta
Có đủ chăn êm, cùng gối ấm
Có nhiều bánh ngọt ướp hương hoa.

Đêm ấy chăn êm cùng gối êm
Vợ chồng ăn bánh với bà Tiên
Ăn xong thoắt chốc liền thay lốt
Chồng hoá thành anh, vợ hoá em.

1938 

Tập thơ Nước giếng thơi (1957)

Nam Quốc Sơn Hà - 南國山河

Hán Văn

南國山河南帝居, 
截然定分在天書。 
如何逆虜來侵犯, 
汝等行看取敗虛。


Phiên âm

Nam quốc sơn hà Nam đế cư,
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

Dịch nghĩa 

Núi sông nước Nam thì vua Nam ở,
Cương giới đã ghi rành rành ở trong sách trời.
Cớ sao lũ giặc bạo ngược kia dám tới xâm phạm?
Chúng bay hãy chờ xem, thế nào cũng chuốc lấy bại vong.

Dịch thơ

Sông núi nước Nam, vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

(Bản dịch trong SGK trước 2015, không ghi tên tác giả, một số nguồn cho là của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn)

Nguồn gốc và dị bản

Tương truyền, năm 1077, hơn 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ chỉ huy xâm lược Đại Việt. Lý Thường Kiệt lập phòng tuyến tại sông Như Nguyệt (sông Cầu) để chặn địch. Quân của Quách Quỳ đánh đến sông Như Nguyệt thì bị chặn. Nhiều trận chiến ác liệt đã xảy ra tại đây nhưng quân Tống không sao vượt được phòng tuyến Như Nguyệt, đành đóng trại chờ viện binh. Đang đêm, Lý Thường Kiệt cho người vào đền thờ Trương Hống, Trương Hát, ở phía nam bờ sông, giả làm thần đọc vang bài thơ trên. Nhờ thế tinh thần binh sĩ lên rất cao. Lý Thường Kiệt liền cho quân vượt sông, tổ chức một trận quyết chiến đánh thẳng vào trại giặc. Phần vì bất ngờ, phần vì sĩ khí quân Việt đang lên, quân Tống chống đỡ yếu ớt, số bị chết, bị thương đã quá nửa. Lý Thường Kiệt liền cho người sang nghị hoà, mở đường cho quân Tống rút quân về nước, giành lại giang sơn, giữ vững bờ cõi Đại Việt. Một số nhận định xem bài thơ này là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam.

Bài thơ này được gắn với Lý Thường Kiệt và nằm trong truyền thuyết Trương Hống, Trương Hát, được văn bản hoá sớm nhất ở Việt điện u linh (Lý Tế Xuyên đời Trần), sau đó là nhiều sách sử khác như Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án... Trong khi đó, sách Lĩnh Nam chích quái (Trần Thế Pháp đời Trần) lại gắn bài thơ với truyền thuyết về cuộc chiến chống quân Tống lần thứ nhất thời Tiền Lê của Lê Đại Hành, với nội dung như sau: 

南國山河南帝居, 
皇天已定在天書。 
如何北虜來侵掠, 
白刃翻成破竹餘

Nam quốc sơn hà Nam đế cư, 
Hoàng thiên dĩ định tại thiên thư, 
Như hà Bắc lỗ lai xâm lược, 
Bạch nhận phiên thành phá trúc dư.

Nguồn: thivien.net và nguồn khác.

Tiếng thu

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức?
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu
Trong lòng người cô phụ?

Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô?

Lưu Trọng Lư