Lễ Vu-lan

Vu lan (chữ Hán: 盂蘭; tiếng Phạn: ullambana), còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo và phong tục Trung Hoa. Lễ này trùng với Tết Trung nguyên của người Hán, và cũng trùng hợp với ngày Rằm tháng 7 Xá tội vong nhân của phong tục Á Đông. Vào ngày này, mọi tù nhân ở Địa ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành. Theo tín ngưỡng dân gian, là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế thờ cúng.
Phóng đăng - một nghi thức trong lễ Vu-lan thường được thực hiện ở chùa ven sông
 Do xuất xứ Phật giáo, nên lễ Vu-lan thường được cúng với những mâm lễ sau:
 - Lễ Phật
 - Lễ Thần linh và Gia tiên
 - Thí thực chúng sinh

Cúng Phật:

Một mâm lễ chay hoặc thanh bông hoa quả hương nến... bày một mâm riêng, tyệt đối không đặt chung với ban Thần linh hay Gia tiên (có lễ mặn).
Nếu gia đình có thờ Phật thì đặt tại ban thờ, nếu không có thể lập một ban tạm cao bằng với ban Thần linh trong nhà, Tuy nhiên, để khỏi thất lễ, nên đến chùa lễ Phật.
Sau khi thắp hương và tỉnh Phật, nên tụng một khóa kinh Vu-lan.

Cúng Thần linh và Gia tiên:

Tùy theo điều kiện gia đình có thể cũng chay hoặc cúng mặn, khi khấn mời nên mời Thần linh (Các quan Kim niên Thái tuế Chí đức Tôn thần, Đương niên Hành khiển chư vị tôn thần, Ngũ Phương Yết đế, Tứ trực công tào, Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, Bản xứ Thần linh Thổ địa, Bản gia Táo quân chi thần...) trước rồi mời đến Gia tiên dòng tộc.

Thí thực chúng sinh

Một mâm cúng thí thực chúng sinh
Mâm cúng cô hồn thường có: quần áo chúng sinh gỡ ra từng món, rải xuống dưới mâm, một ít vàng tiền cũng làm như vậy, vài chén cháo trắng loãng, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, 1 ít bỏng gạo và kẹo bánh các loại, ngô/khoai/sắn luộc rồi cắt thành khúc nhỏ v.v... 

Trên đây là những mâm lễ chủ yếu dùng trong lễ Vu-lan, có thể khấn nôm hoặc theo những bài văn khấn.